Qua một tình huống pháp lý giải quyết bằng hai phương thức để xem xét sự thuận lợi trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục hòa giải tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2021.
- Tình huống pháp lý
Anh Nguyễn Văn An và chị Nguyễn Thị Lành kết hôn vào năm 2017. Trong quá trình chung sống anh An và chị Lành có con chung là Nguyễn Thị Mơ, sinh ngày 8/2/2018. Đến giữa năm 2020 thì hai vợ chồng bắt đầu phát sinh mâu thuẫn nên vào ngày 5/1/2021 nộp yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn giữa anh An và chị Lành, con cái và tài sản hai vợ chồng tự thỏa thuận.
Đơn yêu cầu đều đúng mẫu quy định và nộp kèm theo tờ tự khai, đầy đủ tài liệu chứng cứ theo quy định của pháp luật. Và mục đích pháp lý của cả hai đều muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng với nhau.
Từ tình huống pháp lý trên có hai giả thuyết về lựa chọn phương thức giải quyết để so sánh cách thức giải quyết của hai phương thức gồm:
(1) Phương thức giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục tố tụng;
(2) Phương thức giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục hòa giải tại Tòa án. Để tiện so sánh, giả thuyết các Tòa án đều thực hiện tốt cải cách hành chính tư pháp trong việc tiếp nhận và xử lý đơn.
- Phương thức giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục tố tụng:
Ngày 5/1/2021, anh An và chị Lành nộp đơn cho Tòa án, cả hai đương sự không đồng ý phương thức giải quyết bằng thủ tục hòa giải, nghĩa là Tòa án phải giải quyết bằng thủ tục tố tụng nên các thủ tục được thực hiện cùng ngày 5/1/2021 gồm:
- Cán bộ hành chính tư pháp vào sổ nhận đơn; báo cáo phân loại, đề xuất trình Chánh án ban hành giấy xác nhận đơn thông báo lựa chọn hòa giải, lựa chọn hòa giải viên.
- Giao giấy xác nhận đơn, thông báo lựa chọn hòa giải, lựa chọn hòa giải viên cho đương sự;
- Ghi nhận ý kiến của đương sự về việc không lựa chọn hòa giải;
- Cán bộ hành chính tư pháp soạn thảo trình Chánh án ký quyết định phân công Thẩm phán xử lý đơn;
- Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. Hai đương sự đã nộp lệ phí và giao lại biên lai thu cho Thẩm phán theo quy định.
- Cán bộ hành chính tư pháp vào sổ thụ lý việc dân sự;
- Thẩm phán ban hành thông báo thụ lý việc dân sự và tiến hành giao thông báo này cho đương sự;
- Thẩm phán ban hành giấy triệu tập về phiên hòa giải cho đương sự (bởi vì nếu phát hành giấy triệu tập vào ngày khác thì có thể khó khăn cho việc tống đạt hoặc tốn kinh phí ngân sách nhà nước cho việc tống đạt văn bản tố tung).
Ngày 21/1/2021 Thẩm phán mời hai đương sự đến hòa giải, trường hợp hai đương sự đều có mặt và không đồng ý đoàn tụ thì Thẩm phán sẽ áp dụng khoản 4 Điều 397 của BLTTDS đến ngày 29/1/2021 (trong thời gian từ ngày 21 đến ngày 28/01/2021, các đương sự đều không thay đổi ý kiến so với biên bản hòa giải ngày 21/01/2021), Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh An với chị Lành.
Nhận xét:
– Về thời gian: Từ tiếp nhận đơn đến khi giải quyết xong yêu cầu của đương sự thì mất 24 ngày;
– Về chi phí: Các đương sự phải chịu 300.000đồng lệ phí dân sự sơ thẩm.
– Về số lần đi lại của đương sự đến Tòa án là 2 lần.
– Cần phải có sự phối hợp giữa cán bộ hành chính tư pháp với Chánh án và thẩm phán xử lý đơn;
– Tính pháp lý của quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
- Phương thức giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục hòa giải tại Tòa án
Ngày 5/1/2021, anh An và chị Lành nộp đơn cho Tòa án và cán bộ hành chính tư pháp đã giải thích pháp luật và hai đương sự đều đồng ý chọn thủ tục hòa giải tại Tòa án, nên các thủ tục được thực hiện cùng ngày 5/1/2021 gồm:
- Cán bộ hành chính tư pháp vào sổ nhận đơn; báo cáo phân loại, đề xuất trình Chánh án ban hành giấy xác nhận đơn thông báo lựa chọn hòa giải, lựa chọn hòa giải viên.
- Giao giấy xác nhận đơn, thông báo lựa chọn hòa giải, lựa chọn hòa giải viên cho đương sự;
- Ghi nhận ý kiến của đương sự về việc lựa chọn hòa giải, lựa chọn hòa giải viên;
- Cán bộ hành chính tư pháp soạn thảo trình Chánh án ký quyết định phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải đối thoại;
- Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại cũng ban hành thông báo chuyển vụ việc sang hòa giải tại Tòa án theo quy định.
- Hòa giải viên vào sổ hòa giải
Tiếp đó, Hòa giải viên mời hai đương sự hòa giải bằng phương thức điện thoại cho hai đương sự theo số điện thoại trong đơn để hòa giải vào ngày 11/1/2021.
Tại buổi hòa giải ngày 11/1/2021, hai đương sự đều thống nhất hòa giải thành, thuận tình ly hôn. Hòa giải viên mời hai đương sự, mời Thẩm phán phụ trách hòa giải đối thoại để tiến hành mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành theo quy định. (phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành được tiến hành cùng ngày 11/1/2021 nhưng phải phối hợp với lịch công tác của Thẩm phán phụ trách hòa giải). Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án để xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.
Sau khi nhận biên bản Thẩm phán sẽ có thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành là 15 ngày kể từ ngày nhận biên bản. Nên Thẩm phán có quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Hòa giải viên chuyển biên bản và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Ví dụ trường hợp này thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành (nghĩa là công nhận thuận tình ly hôn của đương sự) vào ngày 20/1/2021.
Nhận xét:
– Về tiếp nhận đơn đến khi giải quyết xong yêu cầu của đương sự thì mất 15 ngày;
– Về chi phí thì các đương sự không tốn chi phí.
– Về số lần đi lại của đương sự đến Tòa án là 2 lần.
– Cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cán bộ hành chính tư pháp với Chánh án và thẩm phán phụ trách hòa giải, hòa giải viên;
– Mục đích của hai đương sự đã đạt (tính pháp lý của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành)
- Nhận xét, đánh giá chung
Phương thức giải quyết bằng thủ tục hòa giải tại Tòa án có những mặt ưu việt sau:
Về đương sự không tốn kém lệ phí, thời gian giải quyết ngắn hơn
Về thẩm phán giảm tải khối lượng công việc, tiết kiệm thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc vì được Hòa giải viên san sẻ nên sẽ tập trung giải quyết các vụ án khác nhằm đảm bảo công tác giải quyết án của Thẩm phán đúng thời hạn luật định.
Bên cạnh đó phương thức này còn thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao (Hòa giải viên), giúp giảm tải khối lượng công việc cho Tòa án; góp phần tích cực trong việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, … góp phần tích cực vào việc xây dựng một nền Tư pháp hiện đại, văn minh. Từ đó, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Qua tình huống pháp lý nêu trên, đã cho thấy những điểm ưu việt của phương thức giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục hòa giải tại Tòa án. Vì thế hãy xem xét ưu tiên lựa chọn phương thức giải quyết mới này.
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc công nhận thuận tình ly hôn bằng thủ tục hòa giải tại Tòa án của Công ty Luật Tuệ Lâm về một trường hợp điển hình. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.