Hiện nay đối với trường hợp người để lại di sản mất đột ngột, việc xác định di sản thừa kế thường gặp khó khăn với khoản tiền mà họ để lại trong ngân hàng, vì họ không để lại thông tin gì về tài khoản đó. Vậy những người thừa kế trong trường hợp này phải làm thủ tục gì để rút được khoản tiền này.
Theo quy định thì các ngân hàng chỉ thực hiện thanh toán khoản tiền gửi của chủ khoản đã mất cho những người thừa kế của người này chỉ khi những người thừa kế có đầy đủ hồ sơ về khai nhận di sản thừa kế, mang đến ngân hàng thì các ngân hàng mới thực hiện việc rút tiền của người đã mất trả lại cho người thừa kế.
1. Làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Pháp luật Công chứng hiện nay quy định có hai hình thức khai nhận di sản thừa kế, bao gồm:
+ Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (được quy định theo khoản 1 Điều 57, Luật Công chứng 2014), Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
+ Khai nhận di sản thừa kế (được quy định tại khoản 1 Điều 58, Luật Công chứng 2014), người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản).
– Những người thừa kế sẽ nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
+ Phiếu yêu cầu công chứng khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản;
+ Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có);
+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
+ Bản sao giấy tờ về tài sản: sổ tiết kiệm…;
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến sổ tiết kiệm.
– Công chứng viên sẽ tiến hành niêm yết thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế đối với di sản do người mất để lại. Việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nơi thường trú trước đây của người mất; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại UBND cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người mất.
– Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo để khai nhận/ thỏa thuận phân chia di sản do người mất để lại.
– Những người đồng thừa kế lập và ký văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản; hoặc có thể nhờ cơ quan công chứng soạn thảo theo mẫu.
2. Tiến hành rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng
– Tất cả các đồng thừa kế có thể cùng đến ngân hàng ký nhận toàn bộ số tiền thừa kế hoặc các đồng thừa kế ủy quyền cho một người đến ngân hàng nhận. Việc ủy quyền được lập và xác thực tại các cơ quan có thẩm quyền.
– Trường hợp các đồng thừa kế không thể xuất trình đầy đủ những chứng từ thì các đồng thừa kế phải xuất trình văn bản khai nhận di sản thừa kế được lập tại cơ quan công chứng theo quy định pháp luật hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của TAND có thẩm quyền.
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi. Để giải đáp mọi thắc mắc chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:
Hotline: 0933898868
Email: info@luattuelam.vn
Trân trọng cảm ơn!