Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

  • tuelamlaw |
  • 10-06-2021 |
  • 527 Lượt xem

Doanh nghiệp tư nhân là một trong 4 loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Để có thể đăng ký thành lập cũng như điều hành hoạt động của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật thì cần thiết phải nắm rõ được đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này cũng như trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp để có thể thành lập và hoạt động một cách thuận lợi nhất.

1. Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ Điều 188 luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm pháp lý sau:

– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Như vậy đặc điểm pháp lý nổi bật của loại hình doanh nghiệp này là về chế độ tài sản, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi phần vốn góp như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Đó là đặc điểm cần hết sức lưu ý khi lựa chọn thành lập doanh nghiệp tư nhân.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Bước 1: Xây dựng các yếu tố cơ bản hình thành nên doanh nghiệp tư nhân

Để đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân trước hết cần xây dựng, xác định đầy đủ các yếu tố cần thiết, bao gồm:

– Tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp có thể sử dụng tên riêng, tên riêng kết hợp với phạm vi kinh doanh, tuy nhiên phải đảm bảo có cụm từ  “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đứng trước tên riêng. Tên không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của những doanh nghiệp đã đăng ký, không vi phạm điều cấm của pháp luật.

– Trụ sở doanh nghiệp: là trụ sở thuộc quyền sử dụng/sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu doanh nghiệp.

– Thông tin về chủ sở hữu: Đầy đủ thông tin về họ tên, quốc tịch, giới tính, ngày sinh, số giấy tờ chứng thực cá nhân, địa chỉ, chức danh của chủ sở hữu.

– Thông tin về ngành nghề kinh doanh: Đảm bảo có trong hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân hoặc pháp luật chuyên ngành, không bị cấm đầu tư kinh doanh.

– Thông tin liên hệ: thông tin về số điện thoại, email, website của doanh nghiệp.

– Thông tin đăng ký thuế: thông tin về kì tính thuế, phương pháp tính thuế mà doanh nghiệp lựa chọn, số lượng người lao động của doanh nghiệp….

Tất cả những thông tin trên đây là cơ sở cần thiết để soạn thảo và hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

– Giấy đề nghị Đăng ký doanh nghiệp. Đây là mẫu Giấy đề nghị mới nhất được thực hiện từ ngày 15/10/2020;

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 11 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của chủ sở hữu công ty;

– Cam kết thực hiện Mục tiêu xã hội, môi trường (đối với DN xã hội);

– Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành Doanh nghiệp xã hội (đối với trường hợp chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành Doanh nghiệp xã hội);

– Trường hợp không phải Chủ sở hữu của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì phải có văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Nộp hồ sơ và nhận kết quả

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:

+ Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;

+ Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

– Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng ĐKKD hoàn tất kết quả giải quyết và chuyển cho Bộ phận một cửa Phòng ĐKKD để trả kết quả.

Nếu quá thời hạn mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định (khoản 2, 3 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

– Nhận kết quả

Trường hợp hồ sơ hợp lệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp nhận kết quả trực tiếp tại Phòng ĐKKD hoặc nhận qua đường bưu chính (trong trường hợp uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp cho đơn vị bưu chính công ích).

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi. Để giải đáp mọi thắc mắc chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:

Hotline: 0933898868

Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *