Bí mật kinh doanh và đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh

  • tuelamlaw |
  • 07-05-2021 |
  • 650 Lượt xem

 

  1. Bí mật kinh doanh là gì?

Căn cứ khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

  1. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây:

– Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

– Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

– Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

  1. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

Căn cứ Điều 85 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

– Bí mật về nhân thân;

– Bí mật về quản lý nhà nước;

– Bí mật về quốc phòng, an ninh;

– Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

  1. Các hành vi được thực hiện khi sử dụng bí mật kinh doanh

– Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá;

– Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

  1. Hạn chế quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;

– Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng;

– Sử dụng dữ liệu bí mật không nhằm mục đích thương mại;

– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thoả thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

  1. Đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019): “Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó”.

Như vậy, khác với các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…, quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập một cách hiển nhiên mà không cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn muốn đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh thì doanh nghiệp có thể đăng ký dưới hình thức bảo hộ sáng chế.

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:

Hotline: 0933898868

Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *