Khi có cơ sở cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy, có thể vừa khiếu nại vừa khởi kiện vụ án hành chính không?
- Có thể vừa khiếu nại, vừa khởi kiện hành chính không
Trình tự khiếu nại được quy định trong Luật Khiếu nại 2011 như sau:
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Còn theo Điều 33 Luật Tố tụng hành chính 2015, nếu người khởi kiện có Đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có Đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.
Như vậy, theo 2 quy định trên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính chỉ được chọn khiếu nại hoặc khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền chứ không được thực hiện đồng thời cả 2 thủ tục này.
- Trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện, Tòa án xử lý thế nào?
Cũng căn cứ vào Điều 33 Luật tố tụng hành chính năm 2015, Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.
Trường hợp người khởi kiện lựa chọn Tòa án giải quyết thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án.
Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.
Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
Hướng dẫn này cũng áp dụng đối với trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có Đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tất cả những người này đều lựa chọn một trong hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, đồng thời có Đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trong đó có người lựa chọn Tòa án giải quyết và có người lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc trường hợp có người chỉ khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án và người khác chỉ khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết được xác định như sau:
– Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại độc lập với nhau thì việc giải quyết yêu cầu của người khởi kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án, còn việc giải quyết khiếu nại của những người khiếu nại thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
– Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại không độc lập với nhau thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án.
Trường hợp người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:
Hotline: 0933898868
Email: info@luattuelam.vn
Trân trọng cảm ơn!