Con nuôi có được thừa kế thế vị không?

  • tuelamlaw |
  • 09-06-2021 |
  • 684 Lượt xem

Câu hỏi:

Ở Việt Nam hiện nay, khi việc nhận con nuôi trở nên rất phổ biến thì theo quy định của pháp luật, con nuôi có được thừa kế thế vị không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 652 Bộ luật dân sự 2015, Thừa kế thế vị là “Trường  hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Thừa kế thế vị xét trên tổng thể là về quan hệ huyết thống, về quan hệ nuôi dưỡng giữa người để lại di sản với con, cháu của người đó.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì con nuôi và cha mẹ nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất và đương nhiên được hưởng thừa kế của nhau.

Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ như sau:

“Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.

Như vậy, con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và con nuôi còn được thừa kế thế vị phần di sản mà đáng ra cha nuôi, mẹ nuôi được hưởng nếu còn sống.

Điều này cũng thống nhất với các quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi.

Cụ thể, khoản 3 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi không có mối quan hệ huyết thống mà chỉ có quan hệ nuôi dưỡng nhau. Nhưng nếu con nuôi chết trước cha mẹ nuôi thì con của con nuôi vẫn được nhận thừa kế thế vị phần mà con nuôi lẽ ra được hưởng nếu còn sống. Hoặc trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì con nuôi của người con đó có thể được thừa kế thế vị đối với phần di sản mà người con đó được hưởng nếu còn sống.

Tuy nhiên, cần lưu ý, giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi có tồn tại quan hệ thừa kế thế vị nếu quan hệ nuôi dưỡng đó được pháp luật công nhận. Tức là họ có đăng ký nhận con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi hoặc được công nhận nuôi con nuôi thực tế.

Trường hợp nhận con nuôi thực tế, không đăng ký nhận con nuôi, cũng không đáp ứng điều kiện công nhận nuôi con nuôi thực tế thì con nuôi không được thừa kế thế vị.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi. Để giải đáp mọi thắc mắc chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:

Hotline: 0933898868

Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *