Tìm hiểu về Nhượng quyền thương mại (Franchise)

  • LTM |
  • 10-06-2019 |
  • 583 Lượt xem

Nhượng quyền thương mại là một phương thức xâm nhập vào thị trường kinh doanh một cách nhanh chóng mà các thương nhân đang lựa chọn ngày một nhiều. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi sự “nổi tiếng” , “thương hiệu” của bên nhượng quyền đã gây dựng được trên thị trường, điều này giúp các bên nhận quyền nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận hơn. Vậy nhượng quyền thương mại là gì? Hãy cùng Luật Tuệ Lâm tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Nhượng quyền thương mại là gì?

Căn cứ Điều 284 Luật thương mại năm 2005, Nhượng quyền thương mại được xác định là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

  • Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  • Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

2. Điều kiện đối với chủ thể tham gia nhượng quyền thương mại

Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền đều phải là thương nhân. Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật thương mại năm 2005, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Bên nhượng quyền phải là Thương nhân đã có hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.

3. Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Căn cứ điều 285 Luật thương mại năm 2005). Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.

Các nội dung chủ yếu của Hợp đồng nhượng quyền thương mại:

  • Nội dung của quyền thương mại.
  • Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
  • Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
  • Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
  • Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
  • Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên

4.1 Quyền và nghĩa vụ của Bên nhượng quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:

  • Nhận tiền nhượng quyền;
  • Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
  • Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:

  • Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
  • Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
  • Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
  • Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
  • Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

4.2 Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:

  • Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
  • Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:

  • Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
  • Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
  • Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
  • Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
  • Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

5. Nhượng quyền lại cho bên thứ ba

Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ giống với bên nhận quyền

Luật Tuệ Lâm hi vọng rằng bài viết này hữu ích đối với Bạn đọc và Quý khách. Nếu có nội dung nào cần tư vấn, Quý khách, bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi qua:

– Hotline: 0933898868;và/hoặc

– Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

 

 

 

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *