Trình tự, thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là “sổ đỏ”) trong trường hợp được thừa kế sẽ khác vs trường hợp được tặng cho, nhận chuyển nhượng. Dưới đây, Luật Tuệ Lâm sẽ tóm tắt các bước để thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ do được thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Để sang tên sổ đỏ đối với quyền sử dụng đất được thừa kế, người được thừa kế phải thực hiện các công việc theo trình tự dưới đây.
Bước 1: Làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản hoặc những người được người để lại di chúc chỉ định hưởng di sản phải có mặt tại Văn phòng công chứng hoặc Phòng Công chứng để ký văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Giấy tờ bản gốc cần chuẩn bị gồm có:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Di chúc (nếu có);
- Giấy chứng tử của người để lại di sản/Trích lục khai tử;
- Giấy chứng nhận kết hôn;
- Sổ hộ khẩu người để lại di sản và những người được hưởng di sản;
- CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn của người được hưởng di sản;
- Giấy khai sinh của các con;
- Giấy chứng tử của bố mẹ của người để lại di sản/ Đơn xin xác nhận bố mẹ người để lại di sản đã mất trước người để lại di sản có xác nhận của UBND xã/phường (Nếu bố mẹ người để lại di sản đã mất).
Tại văn phòng công chứng, công chứng viên sẽ lập Thông báo việc khai nhận/phân chia di thừa kế sau đó niêm yết văn bản này trong thời hạn 15 ngày tại UBND cấp xã/phường nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản và nơi có bất động sản.
Sau 15 ngày niêm yết như trên, nếu không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ
Người được hưởng thừa kế sau khi làm xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế và có văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng sẽ thực hiện tiếp thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Hồ sơ sang tên quyền sử dụng đất gồm có:
- Đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất ;
- Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng);
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính);
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (nếu có) của người để lại di sản và người được hưởng di sản;
- Tờ khai lệ phí trước bạ;
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;
- Sơ đồ thửa đất.
Trên đây là những nội dung cơ bản để tiến hành thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do được thừa kế. Hy vọng với những thông tin này, Qúy khách hàng có thể giải quyết được vấn đề của mình hoặc liên hệ Luật Tuệ Lâm để được hướng dẫn chi tiết hơn.
– Hotline: 0933898868;và/hoặc
– Email: info@luattuelam.vn
Trân trọng cảm ơn!