Thỏa thuận nuôi con trong ly hôn trái nguyện vọng của con thì Tòa án có công nhận không?

  • tuelamlaw |
  • 12-04-2021 |
  • 382 Lượt xem

Nội dung vụ án: Chị Lê Thị T và anh Trần Văn Đ có hai con chung là cháu Trần Lê K, sinh năm 2011 và cháu Trần Lê H, sinh năm 2014. Do vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn trong quá trình chung sống nên chị T nộp đơn ra TAND huyện X yêu cầu ly hôn anh Đ và yêu cầu quyền nuôi hai cháu K và H. Quá trình Tòa án giải quyết vụ án, chị T và anh Đ thuận tình ly hôn. Chị T đồng ý cho anh Đ được quyền nuôi cháu K. Còn anh Đ đồng ý cho chị T được quyền nuôi cháu H. Tài sản chung và nợ do chị T và anh Đ khai không có nên không yêu cầu giải quyết. Chị T đồng ý chịu toàn bộ án phí. Tuy nhiên, trước đó khi Thẩm phán tiến hành lấy ý kiến của cháu K để hỏi về nguyện vọng của cháu là muốn sống với cha hay mẹ thì cháu K trình bày muốn sống với mẹ, không đồng ý sống với cha vì cháu không muốn sống chung xa cháu H là em của cháu. Trường hợp này, Tòa án có được quyền ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự theo quy định của BLTTDS năm 2015 không, thì hiện có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau: “Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Như vậy, trong vụ án ly hôn, quyền của vợ chồng là được thỏa thuận người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tòa án chỉ xem xét đến nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên (sau khi Thẩm phán đã tiến hành lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015) trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được việc nuôi con chung sau khi ly hôn và nguyện vọng của con từ đủ 0 tuổi trở lên là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định giao con cho bên vợ hay bên chồng nuôi. Cho nên trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận được việc nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án không phải xem xét đến nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên nữa. Tại khoản 2 Điều 212 BLTTDS năm 2015 cũng có quy định như sau: “Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án”. Như vậy, trong vụ án trên, chị T và anh Đ đã thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án bao gồm ly hôn, nuôi con và án phí. Do đó, Tòa án phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự.

Quan điểm thứ hai: Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Từ quy định này có thể hiểu, vợ chồng có quyền thỏa thuận việc thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nhưng thỏa thuận này phải trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của con.

Trong vụ án trên, cháu K đã trình bày nguyện vọng của mình với Thẩm phán là chỉ muốn sống với mẹ (chị T) và không muốn sống với cha (anh Đ). Nếu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của chị T và anh Đ giao cháu K cho anh Đ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thì trái với nguyện vọng của cháu K. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của cháu K về sau. Cho nên thỏa thuận của chị T và anh K không đảm bảo quyền lợi chính đáng của cháu K. Vì vậy, trong trường hợp này Tòa án không thể công nhận sự thỏa thuận về nuôi cháu K giữa chị T và anh Đ. Mà Tòa án cần đưa vụ án ra xét xử và có xem xét nguyện vọng của cháu K khi quyết định giao cháu cho chị T hay anh K trực tiếp nuôi.

Như vậy, hiện nay vẫn còn quan điểm không thống nhất trong việc giải quyết thỏa thuận nuôi con trong ly hôn trái nguyện vọng của con thì Tòa án có công nhận không .

Để giải quyết vấn đề quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Tuệ Lâm số điện thoại 0933898868 để được tư vấn.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *