Đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan

  • LTM |
  • 13-06-2019 |
  • 399 Lượt xem

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:

“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chứng minh thời điểm sáng tạo ra tác phẩm là không hề dễ dàng, nhất là khi có tranh chấp? Vậy để tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, phương án hữu hiệu là tiến hành đăng ký bản quyền tác giả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1. Về người nộp đơn:

Theo quy định tại điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ, điều 37 Nghị định 100/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan thì: 

  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.
  • Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.

2. Hồ sơ đăng ký bản quyền quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

Đọc kỹ hướng dẫn ghi thông tin sau mỗi tờ khai.

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm lưu giữ một bản và giao lại một bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký sau khi cấp Giấy chứng nhận.

Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.

c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

3. Thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy Chứng nhận đăng ký quyền liên quan

Cục Bản quyền tác giả là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Trường hợp Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, sử dụng dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Luật Tuệ Lâm, Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua:

– Hotline: 0933898868;và/hoặc

– Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *