Bị sa thải khi đang mang thai, giải quyết như thế nào?

  • tuelamlaw |
  • 13-05-2021 |
  • 310 Lượt xem

Câu hỏi: Xin chào các luật sư, các luật sư có thể tư vấn giúp tôi việc này được không?

Tôi vào làm việc tại công ty X ( đóng tại quận 4, thành phố HCM) từ tháng 3/2010 với HĐLĐ không xác định thời hạn. Tháng 3 năm 2021, tôi mang thai đứa con thứ hai. Ngày 15/04/2021 do sơ suất tôi đã làm cháy một thiết bị của công ty, thiệt hại lên tới 45 triệu đồng. Ngày  25/04/2021 công ty đã tiến hành họp xử lý kỷ luật và ra quyết định sa thải đối với tôi. Vậy cho tôi hỏi:

1.Việc sa thải của công ty X đối với tôi như vậy có đúng không?

2.Tôi không đồng ý với quyết định của công ty, vậy tôi phải làm gì để tự bảo vệ quyền lợi của mình?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đến Luật Tuệ Lâm, trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

1.Việc công ty X sa thải bạn do sơ suất làm cháy một thiết bị của công ty, thiệt hại khoảng 45 triệu đồng là sai, vi phạm quy định của pháp luật lao động hiện hành.

Căn cứ khoản 4 Điều 124 BLLĐ năm 2019, thì sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động.

          Công ty X sa thải bạn (đang mang thai) vi phạm về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động.

Căn cứ pháp luật: Khoản 3 Điều 37, điểm d khoản 4 Điều 122 BLLĐ năm 2019

“ Điều 37: Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

…3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

“…4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi…”

Ngày 25/4/2021 công ty X đã tiến hành họp xử lý kỷ luật và ra quyết định sa thải đối với bạn. Trong khi từ tháng 3 năm 2021, bạn đã đang mang thai đứa con thứ hai. Như vậy, việc xử lý kỷ luật sa thải bạn của công ty X là trái pháp luật.

2. Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ về khái niệm tranh chấp lao động. Trong đó, tại điểm a khoản 1 Điều này quy định về tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp xảy ra “giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại”.

          Như vậy, việc bạn không đồng ý với quyết định sa thải của công ty X chính là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh trong quá trình chấm dứt quan hệ lao động.

          *Thẩm quyền giải quyết tranh chấp:

Điều 187 Bộ luật lao động 2019 quy định:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

bao gồm:

  1. Hòa giải viên lao động;
  2. Hội đồng trọng tài lao động;
  3. Tòa án nhân dân.”

          Vì đây là tranh chấp về xử lý kỉ luật lao động theo hình thức sa thải nên không bắt buộc phải qua thủ tục hoà giải theo điểm a khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019.

Phương án 1: Giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải viên lao động

          Nếu hai bên muốn giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải viên lao động thì có thể gửi đơn yêu cầu đến hoà giải viên lao động hoặc gửi đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc uỷ ban nhân dân.

          Thủ tục nếu hai bên tham gia giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải viên lao động được quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019.

– Trường hợp hai bên thoả thuận thành, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành. Nếu một trong hai bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà Án giải quyết (khoản 6 Điều 188 BLLĐ 2019).

– Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét:

+ Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

+ Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

– Trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì bạn có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết

+ Yêu cầu Tòa án giải quyết.

Phương án 2: Giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động.

          Nếu bạn và công ty X đồng thuận giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động thì bạn có thể nộp đơn, yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp.   

          Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Toà án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 189 BLLĐ 2019. ( Căn cứ vào quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 189 BLLĐ 2019 thì nếu bạn gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đến Hội đồng trọng tài lao động mà trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp mà Ban Trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban Trọng tài lao động được thành lập mà Ban Trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc bạn hoặc Công ty X không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban TTLĐ thì lúc này bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Tòa án).

Phương án 3: Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án

          Bạn có thể gửi đơn khởi kiện công ty X để yêu cầu Tòa án nhân dân bảo vệ quyền lợi của mình do Tòa án nhân dân là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.

          Thẩm quyền của Tòa án theo cấp

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa bạn và công ty X là Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện.

          Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

– Nếu hai bên thỏa thuận (có thỏa thuận bằng văn bản) lựa chọn Tòa án nhân dân tại nơi cư trú của bạn là Tòa án giải quyết tranh chấp thì bạn sẽ gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi cư trú của bạn theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Nếu hai bên không có thỏa thuận về Tòa án giải quyết tranh chấp, bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân Quận 4 (nơi đặt trụ sở của công ty X) để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

          Như vậy, trong tình huống này, bạn có thể lựa chọn Tòa án cấp quận/ huyện nơi mình cư trú hoặc Tòa án nhân dân Quận 4 – nơi công ty X đặt trụ sở để giải quyết.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi. Để giải đáp mọi thắc mắc chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:

Hotline: 0933898868

Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *