Hình thức mua bán nhà, đất thông qua vi bằng hiện nay được áp dụng rất nhiều, tuy nhiên hình thức này cũng lại chứa đựng nhiều rủi ro cho người mua nếu áp dụng không đúng hoặc có nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của vi bằng.
1. Vi bằng là gì? Giá trị của vi bằng
Căn cứ Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, thì vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Cũng căn cứ Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, giá trị của vi bằng được quy định như sau:
– Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng.
– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
– Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, vi bằng là một loại văn bản do văn phòng Thừa phát lại lập, có giá trị là nguồn chứng cứ, căn cứ để cung cấp cho Tòa án xem xét khi giải quyết các vụ án, là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Mua bán nhà đất bằng vi bằng có được cấp sổ đỏ không?
Hiện nay, theo quy định của Luật đất đai 2013, cụ thể là tại Điểm a khoản 3 Điều 167 thì việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được lập thành hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Việc công chứng hợp đồng sẽ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng còn việc chứng thực hợp đồng thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn.
Trong khi đó, vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận việc giao nhận tiền và giấy tờ giữa các bên mà không chứng nhận việc mua bán nhà đất cũng như tính hợp pháp của giao dịch trên.
Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP Văn phòng thừa phát lại không được lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Do vậy, việc mua nhà phải được lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Sau đó, người sử dụng nhà đất đất phải đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Việc lập vi bằng để mua nhà đất sẽ không có giá trị pháp lý để thực hiện hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Như vậy, có thể kết luận mua bán nhà đất bằng vi bằng không được cấp Sổ đỏ vì:
– Pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực.
– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực mà chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Văn phòng thừa phát lại không được lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi. Để giải đáp mọi thắc mắc chi tiết, bạn vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Tuệ Lâm để được tư vấn trực tiếp thông qua:
Hotline: 0933898868
Email: info@luattuelam.vn
Trân trọng cảm ơn!