Làm gì trong trường hợp nước mưa chảy từ mái nhà hàng xóm sang nhà mình?

  • tuelamlaw |
  • 29-04-2021 |
  • 1172 Lượt xem

Việc sử dụng đất giữa các hộ liền kề với nhau vừa đảm bảo quyền, lợi ích của mình vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến bất động sản của người khác là vấn đề mà người sử dụng đất cần lưu ý. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người sử dụng đất thực hiện hành vi vi phạm dẫn đến các phát sinh ảnh hưởng đến tình cảm làng xóm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Câu hỏi: Xin Luật sư tư vấn giúp tôi. Nhà tôi là nhà 2 tầng xây tường gạch đã hoàn tất bên cạnh là hàng xóm có nhà mái tôn mái nước chảy vào tường nhà tôi, trước đây có 1 cái máng xối bằng tôn giờ bị hư nên nước chảy vào tường nhà tôi làm tường nhà tôi bị ngấm nước rất nhiều mỗi khi trời mưa. Gia đình tôi có sang nói với họ là phải thay máng xối khác kẻo ướt đẫm cả tường nhà tôi vậy mà họ nói ko thay và nói đó là nước chảy vào rãnh (2 nhà cách nhau 20cm). Vậy tôi phải làm đơn như nào và gửi cho ai để giải quyết trong trường hợp này? Xin chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước để cho nước mưa từ mái nhà không chảy xuống nhà khác. Cụ thể:

”Điều 250. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa

Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”

Do đó việc hàng xóm của bạn không lắp đặt hệ thống máng dẫn nước mưa dẫn đến việc nước mưa từ mái nhà của họ chảy sang tường nhà bạn gây ra việc ngấm tường thì bạn có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, tuy nhiên bạn phải chứng minh được lỗi vi phạm và thiệt hại thực tế. Nếu bạn với gia đình hàng xóm không thỏa thuận được thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết đến Ủy ban nhân dân xã phường để yêu cầu giải quyết.

Trong trường hợp việc gia đình hàng xóm không thực hiện việc lắp máng nước mưa với mục đích cố ý làm hư hỏng tài sản của gia đình bạn thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, Khoản 2 Điều 15 quy định như sau:

“2.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a)Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”

Bạn có thể căn cứ theo các quy định đã nêu trên và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết vấn đề của mình.

Công ty Luật TNHH Tuệ Lâm gửi bạn đọc tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp

Hotline: 0933898868

Email: info@luattuelam.vn

Trân trọng cảm ơn!

 

 

 

 

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *