Câu hỏi 1: Thưa luật sư, tôi xin hỏi về vấn đề ly hôn như sau: Bây giờ, tôi muốn ly hôn với chồng tôi. Trong thời gian đầu mới cưới 2 vợ chồng tôi có mua 1 chiếc oto trả góp. Ban đầu là bên mẹ tôi có cho chồng tôi mượn 100 triệu và bên nhà chồng cho mượn 260 triệu để mua.
Và mỗi tháng phải góp tiền hàng tháng là 5.597.000 đồng. Phần nợ bên nhà chồng chúng tôi đã trả hết. Nhưng số nợ của mẹ tôi chồng tôi chưa trả. Bây giờ, tôi muốn hỏi khi ly hôn tôi có phải trả góp tiền hàng tháng cùng với chồng tôi nữa không? Hiện giờ xe máy đó đứng tên chồng tôi và chồng tôi đang sử dụng. Hiện vẫn còn phải trả góp 10 tháng nữa. Và tôi có quyền lợi gì và nghĩa vụ gì ở đây không? Tôi có thể đòi chồng tôi chu cấp tiền nuôi con hàng tháng được không? Hiện tại, công việc của chồng tôi mức thu nhập hàng tháng là từ 8 triệu rưỡi đến 10 triệu. Cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đến Luật Tuệ Lâm, trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Về vấn đề các khoản nợ trong thời kì hôn nhân mà đến nay anh chị vẫn chưa trả xong thì pháp luật vẫn xác định đó là nghĩa vụ chung của anh chị. Khi anh chị ly hôn, mỗi người vẫn có nghĩa vụ thanh toán một nửa số nợ trên.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Như vậy, chiếc xe máy trả góp của anh chị được xây dựng trong thời kỳ hôn nhân nên nó được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc chia tài sản phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
“…2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Về mặt pháp lý, sau khi ly hôn anh chị không còn là vợ chồng của nhau nữa nhưng những tài sản mà anh, chị yêu cầu tòa án giải quyết và kể cả các khoản nợ được hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được hiểu là tài sản chung và nghĩa vụ chung của vợ chồng nên việc chia tài sản chung sau ly hôn cũng áp dụng tương tự các quy định của pháp luật như chia tài sản khi ly hôn. Các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân mà đến nay anh, chị vẫn chưa trả xong thì pháp luật vẫn xác định đó là nghĩa vụ chung của cả người. Theo đó, mỗi người phải có nghĩa vụ thanh toán số nợ trả góp đó.
Đối với cấp dưỡng cho con khi anh chị ly hôn, chị có thể yêu cầu chồng chị cấp dưỡng tiền nuôi con hàng tháng theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
” 1.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Trường hợp của chị mức cấp dưỡng cho con do 2 bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì chị có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Câu hỏi 2: Thưa luật sư, xin hỏi tôi và vợ tôi lấy nhau hơn 5 năm và chưa có con. Nay do cuộc sống vợ chồng không hòa hợp nên chúng tôi quyết định ly hôn. Vợ tôi đã viết đơn gửi ra huyện trong đơn có ghi: con không, tài sản chung không, nợ chung không.
Về phần tài sản chung hai vợ chồng đã thống nhất được với nhau nhưng tôi sống và kinh doanh trên đất, nhà của mẹ vợ mà tôi đã thuê từ trước khi kết hôn. Trong quá trình hôn nhân hai vợ chồng tôi có vay một khoản nợ tổng là 800 triệu để xây thêm hai tầng nhà trên đất của mẹ vợ (1 tầng ở và 1 tầng kinh doanh) để mở rộng kinh doanh. Số tiền khá lớn nên hai vợ chồng phải nhờ mẹ tôi (mẹ chồng) đứng ra vay hộ với sự đồng ý của mẹ vợ vì xây dựng trên đất của mẹ vợ tôi. Nay vợ chồng tôi vẫn sống cùng mẹ vợ ở đó.
Tôi cũng đã nói chuyện với mẹ vợ tôi về khoản nợ mà mẹ đẻ tôi đứng ra vay để xây nhà để ở và kinh doanh, mẹ vợ tôi nói sẽ có trách nhiệm trả và tôi có yêu cầu mẹ vợ tôi viết giấy nợ về khoản vay này nhưng bà không viết mà chỉ nói sẽ có trách nhiệm trả. Nên tôi muốn hỏi luật sư là tôi phải làm gì để chắc chắn rằng mẹ vợ tôi sẽ có trách nhiệm với khoản vay đó mà nếu trả thì sẽ trả trong bao lâu vì khoản vay đó vẫn phải trả lãi. Và trong đơn ly hôn không có ghi nợ chung thì ra tòa tôi có thể yêu cầu về khoản vay này với tòa không?
Rất mong luật sư giải đáp giúp những thắc mắc của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Việc mẹ vợ bạn đồng ý trả khoản nợ thay con gái được coi là bảo lãnh căn cứ Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 335. Bảo lãnh
1.Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Theo quy định pháp luật nêu trên thì việc bảo lãnh là sự cam kết giữa các bên sẽ thực hiện nghĩa vụ, việc bảo lãnh này không bắt buộc phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, việc cam kết này phải được người thực hiện với bên có quyền – chủ nợ, bên cho vay. Do đó, với thông tin bạn đưa ra, mẹ vợ bạn có nói sẽ có trách nhiệm trả khoản với vợ chồng bạn và với mẹ đẻ bạn thì việc cam kết này không có giá trị pháp lý.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu hai vợ chồng bạn ly hôn thì bạn nên ghi rõ khoản nợ, vay chung của hai vợ chồng trong đơn để yêu cầu giải quyết. Hoặc hai vợ chồn bạn đã tự thỏa thuận được với nhau về thanh toán khoản nợ này thì nên lập thành biên bản để các bên căn cứ vào biên bản đó mà có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Tuệ Lâm. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo:
– Hotline: 0933898868
– Email: info@luattuelam.vn
Trân trọng cảm ơn!