Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (di chúc miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản; sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ).
Theo Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Theo đó, người sử dụng đất có quyền để lại quyền sử dụng đất của mình theo di chúc, theo pháp luật.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người sử dụng đất cũng thực hiện được việc để lại quyền sử dụng đất theo di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực (vì Luật Đất đai có quy định riêng).
Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 3 Điều 167 còn quy định:
“Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Vì vậy, chỉ trong trường hợp để thừa kế theo di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực mới phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ). Trong trường hợp đất không có Sổ đỏ thì người sử dụng đất vẫn có quyền để lại quyền sử dụng đất của mình theo di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Tuệ Lâm. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo:
– Hotline: 0933898868
– Email: info@luattuelam.vn
Trân trọng cảm ơn!