Tình huống: Tôi và chồng tôi kết hôn với nhau vào năm 2013. Chúng tôi có hai con chung (4 tuổi và 21 tháng tuổi). Tôi bây giờ chưa đi làm vì phải ở nhà trông con, chồng tôi thì không có công ăn việc làm ổn định nhưng nhà bố mẹ chồng tôi thì rất có điều kiện.
Do có nhiều sự bất đồng trong cuộc sống và chồng tôi thì chơi bời nghiện ma túy (chuẩn bị đi tù), không yêu thương vợ con nên tôi viết đơn ly hôn nhưng chồng tôi không chịu ký. Hai vợ chồng đều đang không có việc làm ổn định, tôi thì đợi con lớn sẽ đi làm lại vì giờ không có ai trông con. Bố mẹ chồng thì cương quyết không cho tôi nuôi con. Tôi thực sự cảm thấy lo lắng vì con còn quá nhỏ nên muốn nhờ luật sư tư vấn? Bố mẹ chồng tôi có được quyền giành nuôi cháu không? Tôi cần làm thủ tục giấy tờ gì để được nuôi cả hai con?
Cảm ơn luật sư.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Tuệ Lâm. Chúng tôi xin tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý: Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Thứ nhất về việc ly hôn đơn phương
Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
”Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn…”
Theo quy định của pháp luật thì bạn hoàn toàn có quyền đơn phương ly hôn khi mà bạn có căn cứ chứng minh vợ chồng bạn xảy ra nhiều mâu thuẫn, cuộc sống gia đình không còn hạnh phúc, đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng không thể hàn gắn được. Trong trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết ly hôn cho bạn dựa vào căn cứ cho ly hôn được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
*Hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn đơn phương bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn;
+ Bản chính giấy đăng ký kết hôn;
+ Bản sao hộ khẩu;
+ Bản sao chứng minh nhân dân của vợ và chồng;
+ Bản sao giấy khai sinh của hai con;
+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản và nợ chung (nếu có tranh chấp).
Thứ hai về việc giành quyền nuôi con
Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Đối với trường hợp của bạn, hiện tại con bạn được 21 tháng nên khi ly hôn con bạn sẽ được giao cho bạn trực tiếp nuôi trong trường hợp bạn đủ diều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, còn bé đầu 4 tuổi thì nếu bạn đủ điều kiện thì Tòa sẽ giao cho ban nuôi con vì bố bé chuẩn bị đi tù cũng như có những hành vi ảnh hưởng đến sự phát triển của các con. Tuy nhiên, hiện tại bạn không đi làm, không có nguồn thu nhập ổn định để có đủ điều kiện nuôi dưỡng con thì bạn nên sớm đi làm lại để có thu nhập lo cho các con tốt nhất. Tòa án sẽ căn cứ vào:
- Điều kiện về kinh tế để chăm sóc con như có hỗ trợ từ phía gia đình ngoại, hoặc có tài sản được tặng cho riêng, được thừa kế riêng để đảm bảo cuộc sống cho con;
- Điều kiện về sức khỏe có đủ điều kiện về sức khỏe để chăm sóc cho con không, có mắc những bệnh nguy hiểm gì không;
- Điều kiện về môi trường sống, giáo dục cho con.
“Điều 104 của Luật hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.”
Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật, thì bố, mẹ là người có quyền nghĩa vụ nuôi con. Chỉ khi bố, mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì ông bà mới có quyền nuôi dưỡng cháu. Nghĩa là bạn hoặc chồng bạn mới là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc con. Tòa án sẽ xem xét để bạn được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, trừ trường hợp bạn không có đủ điều kiện thì tòa mới xem xét giao con cho ông bà.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bố mẹ chồng có quyền giành nuôi cháu không của Công ty Luật Tuệ Lâm . Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.